Cần có quy định để hạn chế rủi ro của trí tuệ nhân tạo
Tiếp tục Phiên họp thứ 38, chiều 8-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số. Cùng với đó, dự thảo luật được xây dựng nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin theo pháp luật hiện hành.
Đồng thời, đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư; và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số. Dự thảo luật không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, về nội dung dự thảo luật, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo luật cần xem xét, bổ sung các ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp công nghệ số để có sự đầu tư cùng các cơ chế ưu đãi.
Đánh giá lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung các quy định vào dự thảo luật để hạn chế rủi ro của trí tuệ nhân tạo, nhất là vấn đề an ninh, bảo mật. Bên cạnh đó, cần cân nhắc dán nhãn cho các sản phẩm công nghệ số được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có tính chất khó, phức tạp nên phải bám vào các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước để thể chế hóa. Đồng thời đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần chỉnh lý dự thảo theo hướng bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; cần tạo hành lang pháp lý để triển khai mô hình lao động việc làm mới trên nền tảng công nghệ số.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là luật chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ số thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, vì vậy, cần nhấn mạnh đến vai trò quản lý của Nhà nước về công nghiệp công nghệ số. Chủ tịch Quốc hội nhận định, trong dự thảo luật có nhiều khái niệm mới, nhiều thuật ngữ, cách diễn đạt mang tính chuyên môn nên cần được giải thích, chuẩn hóa để bảo đảm dễ hiểu; cần rà soát về cơ cấu bố cục để bảo đảm hợp lý hơn về cấu trúc, tính logic của dự thảo sao cho dễ thực hiện, dễ giám sát.
HOÀNG CHUNG
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/can-co-quy-dinh-de-han-che-rui-ro-cu...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận